Yên Bái - Kỳ ảo trà rừng
- Xuân Mai Nguyễn
- 28 thg 12, 2022
- 3 phút đọc
Đã cập nhật: 3 thg 4, 2023
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, được xem như cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Tỉnh có địa hình cao dần từ đông Nam lên Tây Bắc, được kiến tạo bởi ba dãy núi hùng vĩ và những con sông lớn. Dãy Hoàng Liên Sơn và Pú Luông ở phía Tây nằm kẹp giữa sông đà và sông Hồng, sau đó đến dãy núi Con Voi kẹp giữ sông Hồng và Sông Chảy. Chính vì đặc trưng xen kẽ giữa núi và sông nên khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Yên Bái có sự phân hoá phức tạp.

Cũng như phần lớn các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, Yên Bái là vùng giao thoa của nhiều dân tộc khác nhau. Trong đó đông đảo nhất(không tính người Kinh) là người Tày, Dao, H’mong.... Sự đa dạng này đã tạo nên những màu sắc nổi bật trong văn hoá bản địa, phong phú nhưng cũng hoà hợp; thu hút nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách du lịch từ khắp thế giới đến tìm hiểu.
Với hơn 60% diện tích có độ cao trên 600m so với mực nước biển, cùng lượng mưa lớn, độ ẩm cao và thời tiết biên thiên mạnh, nguồn nước dồi dào từ các con sông lớn. Cùng với đặc điểm thổ nhưỡng phong phú. đất phù sa, chiếm 1,33% diện tích tự nhiên của tỉnh; đất xám, chiếm 82,57%; đất đỏ, chiếm 1,76%; đất mùn alít, chiếm 8,1%. Yên bái được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp, trong đó đặc biệt là cây trà.
Tại Yên Bái, những rừng trà đã tồn tại từ lâu đời, hàng trăm năm ẩn mình giữa thiên nhiên, thăm thẳm đằng sau lớp sương mù mờ ảo. Rừng trà được các đồng bào người H’mong hằng ngày chăm sóc và thu hái để từ đó tạo nên sản phẩm trà vàng đặc sắc với hương thơm của sương và nắng núi rừng cùng vị ngọt mát dễ chịu.
Ngày nay trà Shan tại Yên Bái chiếm 2.033 ha với sản lượng 5.197 tấn. Trong đó các vùng trà rừng tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Trong đó vùng phía Tây Yên Bái phần lớn có địa hình cao trên 700m, với sự chia cắt mạnh của những dãy núi và các thung sâu là chốn trú ngụ tự nhiên của những cây trà suốt hàng trăm năm nay. Với đặc điểm nắng nhiều, ít mưa. Càng lên cao nhiệt độ càng bị kéo xuống, cá biệt có hiện tượng đóng băng vào mùa lạnh ở các vùng thuộc độ cao trên 1000m.

Các vùng như Trạm Tấu quanh năm bị vây toả bởi sương núi, mây trời tạo thành thời tiết mát mẻ, dễ chịu bồi đắp cho búp trà thêm axit amin góp phần tạo ra vị ngọt thanh dễ chịu. Các rừng trà của Trạm Tấu đa phần thuộc Làng Nhì trải dài đến thôn Tà Chữ của Phình Hồ, rải rác giữa làn sương trắng quanh năm vây toả, chông chênh ở độ cao từ 1000 – 1300m so với mực nước biển.

Trái lại, khu vực Sùng đô đặc trưng với khí hậu khắc nghiệt, biên độ nhiệt cao giữa mùa mưa và mùa khô cũng như giữa ngày vào đêm. Góp phần thêm vào hương vị nồng đậm của từng búp lá.

Đây có thể được xem như cội nguồn của những vùng trà thấp hơn ở độ cao xung quanh thôn Giằng Pằng, như quần thể trà rừng xung quanh đỉnh Chinh Gia thuộc thôn Nà Nọi ở độ cao từ 1000 – 1200m. Các rừng trà men theo sống núi, mọc loang xuống những vùng đồi dốc, quanh năm chống chịu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông và những đợt nắng gay gắt đầu hạ.
“Yên Bái sở hữu những vùng trà lâu năm, mà trong đó nổi bật nhất là vùng Giằng Pằng thuộc Sùng đô nằm ở độ cao từ 1400 – 1500m so với mức nước biển. Với quần thể rừng trà lâu đời, trong đó là hơn 100 cây cổ thụ có tuổi đời từ 200 – 600 năm tuổi, vươn lên trên những đỉnh núi cao, hoà lẫn vào thôn bản.”
Comments